Bạn có đang ngủ muộn? Và ngủ muộn mỗi ngày? Tùng biết, do tính chất công việc, rất nhiều người phải thức rất khuya…mỗi ngày (trong đó có cả Tùng). Hậu quả của việc thức khuya là chúng ta luôn thức dậy với một cơ thể uể oải, đầu đau, mắt hoa, và dường như “mất không” cả một ngày hôm đó vì không thể tập trung làm việc!
Vậy làm thế nào để ngủ ít mà không mệt?
Tất nhiên, cách đầu tiên là đi ngủ sớm rồi! Nhưng Tùng biết có nhiều bạn do nhiều lý do bất khả kháng mà không thể ngủ sớm, ngủ đủ giấc.
Vậy đâu là giải pháp dành cho họ?
Giải pháp đó sẽ được Tùng trình bày chi tiết ở phần sau, còn bây giờ, cứ đi tìm hiểu nguyên nhân bạn “mệt mỏi” khi thức dậy cái đã. Đây chính là nguyên nhân được nhìn nhận theo khía cạnh khoa học và nó giải thích chính xác lý do tại sao bạn mệt mỏi kể cả khi ngủ đủ giấc và thiếu giấc!
Nhiều người thường lầm tưởng rằng giấc ngủ của chúng ta được diễn ra “liền mạch”, tức chỉ cần đặt lưng thôi là chúng ta sẽ ngủ từ 22h tối đến 6 giờ sáng. Nhưng thực tế, giấc ngủ không được hình thành như vậy.
Giấc ngủ của chúng ta là tập hợp của nhiều chu kỳ.
Mỗi chu kỳ sẽ diễn ra trong vòng 90 phút.
Trong đó, một chu kỳ lại được chia thành 5 giai đoạn.
- Giai đoạn 1. Ru ngủ
- Giai đoạn 2. Ngủ nông (chiếm 50% giấc ngủ)
- Giai đoạn 3. Ngủ sâu (chiếm dưới 10% giấc ngủ)
- Giai đoạn 4. Ngủ rất sâu (gần như tất cả cơ quan của cơ thể đều rơi vào trạng thái nghỉ ngơi).
- Giai đoạn 5. Ngủ mơ
Tất cả 5 giai đoạn trên đều diễn ra trong 1 chu kỳ 90 phút. Và hết 1 chu kỳ, chu kỳ mới lại được tiếp diễn (giai đoạn 5 của chu kỳ cũ lại nối đuôi giai đoạn 1 của chu kỳ mới).
Thông thường thì nếu bạn ngủ đủ giấc, tức là ngủ đủ 5 chu kỳ (7 tiếng rưỡi) thì khi ngủ dậy, bạn sẽ cảm thấy cơ thể sảng khoái và người rất khỏe mạnh.
Tuy nhiên, mọi điều đều có ngoại lệ. Như Tùng đã chia sẻ ở trên, một chu kỳ sẽ có 5 giai đoạn, và nếu chả may mà bạn lại thức dậy vào đúng giai đoạn thứ 3 (ngủ sâu), và đặc biệt là giai đoạn thứ 4 (ngủ rất sâu) thì đảm bảo ngày mới của bạn sẽ là một ngày “tồi tệ”.
Vì bạn đã thức dậy vào đúng giai đoạn bạn không nên dậy. Ở giai đoạn 4, tất cả cơ quan trên cơ thể của bạn đang trong trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn, nếu đột nhiên vì một lý do nào đó làm bạn thức giấc. Các cơ quan trong cơ thể sẽ phải khởi động chương trình một cách đột ngột, đồng thời, não bộ bị ép khởi động và nó chưa chuẩn bị để trở lại trạng thái bình thường. Đó là lý do vì sao bạn sẽ bị nhức đầu và mệt mỏi.
Vậy làm thế nào để không bị nhức đầu và mệt mỏi sau khi thức dậy?
Và đặc biệt hơn là làm thế nào để ngủ ít mà không mệt?
Bạn hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề trên chỉ với một công thức tính đơn giản. Công thức tính giấc ngủ:
Giờ thức dậy = Giờ đi ngủ + (1,5).Y + X
Trong đó:
- 1,5 giờ là 1 chu kỳ giấc ngủ (90 phút)
- Y là số lượng chu kỳ giấc ngủ, Y = [3,6].
- X là khoảng thời gian ước lượng để đi vào giấc ngủ. X thường được lấy trung bình là 14 phút. Tuy nhiên, nếu giờ vào giấc của bạn là cao hơn hoặc thấp hơn thì cứ thay số đó vào nhé!
Như vậy, với công thức trên, bạn hoàn toàn có thể tính được giờ thức dậy của mình để không làm cho cơ thể mệt mỏi.
Một số giờ thức dậy tiêu biểu:
Ngủ đủ (Y = 5 chu kỳ; X = 14 phút)
- 22h: Giờ thức dậy = 5 giờ 44 phút
- 23h: Giờ thức dậy = 6 giờ 44 phút
- 0h : Giờ thức dậy = 7 giờ 44 phút
Ngủ thiếu (Y = 4 chu kỳ; X = 14 phút)
- 1h: Giờ thức giấc = 7 giờ 14 phút
Ngủ thiếu (Y = 3 chu kỳ; X = 14 phút)
- 2h: Giờ thức giấc = 6 giờ 44 phút
- 3h: Giờ thức giấc = 7 giờ 44 phút
Hy vọng với bài viết rất dài này, bạn đã có cho mình một mẹo nhỏ để “bật hack” cho những ngày làm “cú” – ngủ ít mà không mệt mỏi. Lời kết của Tùng dành cho bạn là ngủ đủ vẫn là tốt nhất và nhớ canh thời gian (như công thức) để tránh hai giai đoạn “báo động” nhé!!